Những dấu ấn đột phá nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL (Bài 3): Minh chứng cho những sự quan tâm đặc biệt
VHO- Lãnh đạo các nhà hát của Bộ VHTTDL vẫn không thể quên được cuộc “đối thoại” vô cùng ấn tượng với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vào tháng 5.2021. Lần đầu tiên, lãnh đạo các nhà hát được “đối thoại” để nêu những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các nghệ sĩ về sự khó khăn, bất cập của những người làm nghệ thuật và tại đây, người đứng đầu ngành VHTTDL đã giải đáp, đồng thời có những chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại Lễ Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” (tháng 12.2022)
Và cho đến thời điểm này, những bước chuyển đầy tích cực của ngành nghệ thuật biểu diễn đã cho thấy lãnh đạo Bộ đã không chỉ lắng nghe mà còn có những chỉ đạo quyết liệt trong công cuộc chấn hưng văn hóa nghệ thuật.
Những dấu ấn trong nghệ thuật biểu diễn
Đánh giá chung về công tác nghệ thuật biểu diễn trong nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly nhận định, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn để lại nhiều dấu ấn với những thành tựu đáng ghi nhận.
Phía sau thành tích và kết quả đạt được phải kể tới vai trò quan trọng trong chỉ đạo định hướng của lãnh đạo Bộ VHTTDL và trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Về công tác quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã đưa ra những văn bản, quyết định kịp thời như trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 23/2021/QÐ-TTg chi hỗ trợ khó khăn cho viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn (đạo diễn, diễn viên… hạng IV) do tác động bởi dịch; Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13.12.2021 ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Và rất nhiều văn bản quan trọng khác của ngành đang được tích cực hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những bất cập cơ bản của ngành nghệ thuật biểu diễn, trong đó đáng chú ý: Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập; Nghị định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ; Nghị định về hoạt động văn học; Đề án một số chương trình nghệ thuật đỉnh cao; Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Trung ương; Đề án Nâng cao năng lực sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030...
Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, Bộ cũng đã tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng: Chương trình nghệ thuật đặc biệt Lễ Khai mạc, Bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 Việt Nam 2021; Chương trình nghệ thuật đặc biệt Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023)... Trong 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, ngành nghệ thuật biểu diễn cũng vẫn bền bỉ tổ chức gần hàng chục cuộc thi, liên hoan nghệ thuật, chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu..., qua đó đã góp phần làm sôi động và nâng cao tính chuyên nghiệp cho nghệ thuật biểu diễn cả nước. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đưa đến công chúng những giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân...
“Nhìn lại trong nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL, nghệ thuật biểu diễn gặp nhiều khó khăn. Ngay năm 2021 vào thời điểm dịch căng thẳng nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ký triển khai Kế hoạch Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch, chương trình livestream trên nền tảng số. Với sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngành VHTTDL đã làm được nhiều việc chưa có tiền lệ như các Nhà hát online, Nhà hát truyền hình, các kỳ liên hoan, gặp mặt, tạo sân chơi cho giới văn nghệ sĩ được cống hiến tài năng. Những chương trình livestream với các văn nghệ sĩ tên tuổi đã mang đến liều thuốc tinh thần vô giá cho bệnh nhân trên giường bệnh. “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” không chỉ là một mệnh đề mà là sự dấn thân của các văn nghệ sĩ, không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra nước ngoài, khẳng định tinh thần và sức mạnh của văn hóa Việt. Sự chuyển hướng của nghệ thuật biểu diễn đã phát huy sức mạnh của “vắc xin tinh thần” xoa dịu nỗi đau, cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch. Biến giải pháp tình thế thành xu thế, nghệ thuật chuyển đổi số là một “phép thử” thành công đối với ngành nghệ thuật biểu diễn trong bối cảnh đại dịch”, NSƯT Trần Ly Ly nhận định.
Muốn nghe những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết Lãnh đạo Bộ đã được lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của lãnh đạo các nhà hát và các nghệ sĩ tên tuổi đầu ngành nghệ thuật. Ai cũng có thể thấy cách tính lương khởi điểm theo hệ trung cấp đối với diễn viên là thiệt thòi thế nào, những điểm khác biệt ngay từ quá trình đào tạo đầy khắc nghiệt đối với diễn viên ra sao, nhưng để tháo gỡ được điều này thì không thể trong ngày một, ngày hai và cũng không thể chỉ phụ thuộc vào lãnh đạo Bộ VHTTDL. Đáng mừng là Chính phủ đã cho phép Bộ VHTTDL xây dựng Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và Nghị định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người làm công tác văn hóa văn nghệ… (Trích phát biểu của Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG tại Buổi biểu diễn báo cáo chương trình đặt hàng của nhà nước tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) |
“Lời kêu gọi lương tri đối với các văn nghệ sĩ”
Sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đã thể hiện sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ đối với lực lượng văn nghệ sĩ nói chung, những người làm nghệ thuật nói riêng.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023)
Tại Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (12.2022) do Bộ VHTTDL phát động, với tình cảm trân trọng, nồng ấm và quý mến, thay mặt Bộ VHTTDL, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn rằng, sau đây, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương cùng các văn nghệ sĩ sẽ nhiệt tình hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để lan tỏa mục đích của Lễ phát động. Bộ trưởng chúc các văn nghệ sĩ luôn “bút sắc, tâm trong, trí sáng” cùng khát vọng đưa đất nước Việt Nam phát triển hùng cường. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành để từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới; tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sĩ phát huy khả năng của mình, tiếp tục kế thừa và phát triển những thành tựu của thế hệ đi trước, kiến tạo thành tích mới cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ: “Sự hiện diện của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành ở một lễ phát động sáng tác văn học nghệ thuật như thế này đã là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt. Cuộc phát động là một “nghi lễ” đặc biệt khiến mỗi cá nhân văn nghệ sĩ phải tự đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi: Nếu không viết được những tác phẩm xứng tầm thời đại thì mỗi người sẽ tự phản bội trên từng trang viết của mình! Phải làm sao tạo nên những tác phẩm phản ánh được thời kỳ đổi mới của đất nước và hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lễ phát động đã hiện thực hóa, đời sống hóa các nghị quyết và chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; là lòng tin của Đảng, Nhà nước đối với từng trang viết của các văn nghệ sĩ. Chúng tôi coi đây là một lời kêu gọi lương tri đối với các văn nghệ sĩ”.
Trong đại dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, nhiều nhà hát, nghệ sĩ đã xây dựng nhiều chương trình ý nghĩa để phục vụ công chúng qua hình thức trực tuyến
Phó chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi cho biết, tại những buổi gặp mặt, chúc tết đại diện các văn nghệ sĩ tiêu biểu do Bộ VHTTDL tổ chức, lời chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho thấy một thái độ, quan điểm đầy trân trọng đối với sứ mệnh và tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Sự quan tâm đó đã góp phần quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, cống hiến cho nền VHNT nước nhà, để những giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng có sức lan tỏa rộng lớn hơn... Trong 3 năm trở lại đây, Bộ VHTTDL đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận như tổ chức nhiều hoạt động, liên hoan, cuộc thi nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Những đổi mới mang tính bứt phá trong khối nghệ thuật biểu diễn có phần đóng góp quan trọng của “tư lệnh” ngành Nguyễn Văn Hùng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, khi quán triệt và kiên trì chèo lái con thuyền của ngành VHTTDL vững vàng qua nhiều thử thách, chuyển đổi tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc luôn được coi trọng. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm. Các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT được trao tặng, các danh hiệu NSND, NSƯT được vinh danh, nhiều cuộc thi, liên hoan tổ chức để ghi nhận những đóng góp sáng tạo của những người làm nghệ thuật... Có thể thấy sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ VHTTDL đã góp phần tạo ra những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.
Tập trung nguồn lực để hoàn thiện các văn bản, đề án... Tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển. Tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Tăng cường hơn nữa việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế…” (Trích phát biểu của Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG tại Hội nghị Tổng kết công tác Nghệ thuật biểu diễn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác 2023) |
THÚY HIỀN; Ảnh: TRẦN HUẤN
(Còn nữa)